Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Gắn chốt phần 1: Loại cement nào là tối ưu?


Mất sự lưu giữ được báo cáo là một nguyên nhân phổ biến nhất gây ra thất bại ở các cases thực hiện phục hồi có sử dụng chốt. Trong khi độ dài chốt và vòng đệm đóng vai trò là yếu tố hàng đầu gia tăng sự lưu giữ của chốt thì hai yếu tố khác đóng vai trò quan trọng không kém đó là tính chất cơ học của vật liệu gắn chốt và kỹ thuật gắn chốt.

Phần này xin phép được trình bày về quy trình chọn lựa cement gắn chốt được áp dụng trong thực hành nha khoa hiện nay.

Chọn lựa cement:

Đầu tiên, cement phải có tính tương hợp sinh học, có các tính chất cơ học và vật lý phù hợp nhằm đề kháng với sự hòa tan trong môi trường miệng. Các tính chất như độ bền xé, độ bền nén và sự bám dính với ngà răng là những tính chất quan trọng, ngoài ra các yếu tố khác cũng cần được xem xét như sự hấp thu nước, sự biến dạng dưới sự tác động của lực nhai...Cement dùng gắn chốt nên có thời gian làm việc dài để thuận tiện khi trộn và có thời gian đông ngắn để cho phép tiến hành sửa soạn răng ngay sau khi gắn chốt.

Mặt dù mỗi loại chốt khác nhau thường yêu cầu có kỹ thuật gắn riêng, song nhìn chung vẫn là có một lượng cement đều ở quanh chốt để kết nối chốt và ngà chân răng. Hầu hết các loại cement hiện nay đều có tính chất phù hợp để gắn chốt, song vẫn có một số khác biệt về chỉ định như dưới đây:





Cement phosphate kẽm


Cement phosphate kẽm có dạng bột (thành phần chính là oxide kẽm và 10% oxide magie) và lỏng (acid phosphoric). Loại cement này là lâu đời nhất trong số các cement sử dụng hiện nay, và nó được sử dụng cho rất nhiều loại phục hồi khác nhau. Nhược điểm của cement phosphate kẽm là có thể bị hòa tan trong môi trường miệng và ít bám dính với ngà răng.


Nếu trộn đúng tỷ lệ, cement phosphate kẽm có thời gian làm việc dài và thời gian đông ngắn, điều này thích hợp cho việc gắn chốt. Thao tác trộn loại cement này khác với các loại cement khác vì phản ứng đông của cement phosphate kẽm có kèm tỏa nhiệt, lượng nhiệt này cần được giải phóng trong quá trình trộn nhằm kéo dài thời gian làm việc. Nên trộn trên tấm kính dày, mát, nên chia lượng bột thành từng phần nhỏ và trộn dần với phần lỏng.


Cement polycarboxylate


Thành phần bột chính của loại cement này cũng là oxide kẽm, song phần dung dịch lỏng là acid polyacrylic. Khác với phosphate kẽm, cement polycarboxylate có khả năng bám dính tốt với ngà răng song các nghiên cứu cho thấy loại cement này yếu hơn so với cement glass-ionomer và phosphate kẽm khi sử dụng gắn chốt. Ngoài ra, cement polycarboxylate dễ bị biến dạng dưới sự tác động của các lực mang tính chu kỳ, kết quả dẫn đến chốt sẽ dễ bị lỏng và dẫn đến thất bại.


Cement glass-ionomer


Cement glass-ionomer có một số tính chất tốt như bám dính tốt với mô răng, phóng thích flouride, độ bền xé và độ bền nén tốt, dễ sử dụng, giá thành rẻ. Nhược điểm của loại cement này là nhạy cảm với môi trường ẩm ở giai đoạn đầu của quá trình đông do đó phải làm thật sạch phục hồi và cách ly tốt môi trường xung quanh trước khi gắn, ngoài ra một nhược điểm khác của cement glass-ionomer là phản ứng đông khác thường của nó, cần vài ngày thậm chí vài tuần để nó đạt đến độ bền cao nhất. Do đó nếu sửa soạn cùi răng ngay sau khi gắn chốt sẽ có khả năng ảnh hưởng đến sự lưu giữ của chốt.


Cement resin


Loại cement này có giá thành cao hơn so với các loại cement thông thường, và thường được sử dụng để gắn các loại chốt sợi


Cement glass-ionomer nền nhựa


Là dạng lai của cement resin và glass-ionomer, so với cement glass-ionomer truyền thống loại cement này có tính hòa tan thấp hơn, cũng như độ bền cao


Các thế hệ đầu của loại cement này có tính giãn nở cao khi hấp thu nước, nếu sử dụng để gắn chốt, cùi giả thì có khả năng gây nứt gãy ở chân răng. Các thế hệ sau tuy đã cải thiện về tính chất này xong cần thận trọng tránh dùng loại cement này khi gắn chốt


Ưu và nhược điểm của các loại cement


Mỗi loại cement có ưu và nhược điểm riêng, hình dưới đây tổng kết và so sánh các tính chất của các loại cement





Lựa chọn cement gắn dựa vào loại chốt sử dụng


Đối với chốt và cùi giả đúc, chốt kim loại làm sẵn các tác giả khuyến cáo sử dụng cement phosphate kẽm cho các loại chốt này. Thời gian làm việc và thời gian đông ngắn (không giống cement glass-ionomer), phản ứng đông không chịu ảnh hưởng bởi eugenol (không giống cement resin), ít bị biến dạng (không giống cement polycarboxylate)


Đối với chốt sợi nên sử dụng cement resin hoặc cement glass-ionomer nền nhựa. Chốt zirconia có thể sử dụng bất kỳ loại cement nào, các tác giả thường đề nghị cement phosphate kẽm, nếu đòi hỏi bám dính ngà chân răng là cần thiết thì có thể sử dụng cement glass-ionomer nền nhựa.


Ảnh hưởng của chất trám bít ống tủy lên sự lưu giữ của chốt


Chất trám bít ống tủy được sử dụng để lấp đầy các khoảng hở giữa côn gutta-percha và thành ống tủy. Có một số loại thường dùng như oxide kẽm - eugenol, canxium hydroxide, chất trám bít nền nhựa...Oxide kẽm-eugenol có tính tương hợp sinh học cao hơn chất trám bít nền nhựa, và ít bị phân hủy so với chất trám bít có thành phần chính là caxium hydroxyt. Vì những tính chất trên, cùng với sự thành công lâu dài, oxide kẽm-eugenol là lựa chọn của hầu hết các bác sĩ. Song có một vấn đề ở đây đó là sự liên quan giữa phản ứng đông của cement gắn và chất trám bít ống tủy chứa eugenol. Chúng ta biết rằng, eugenol có khả năng kết hợp với các gốc tự do (thành phần hoạt hóa sự trùng hợp nhựa) từ đó gây cản trở quá trình trùng hợp của cement có thành phần nhựa. Tuy nhiên, theo y văn vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về chủ đề này, một số nghiên cứu cho thấy độ bền dán lên ngà răng của cement gắn có bị ảnh hưởng bởi chất trám bít chứa eugenol, một số khác thì không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét